Các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA đang mang đến nhiều hơn cơ hội để ngành logistics Việt Nam vươn mình, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác trong nước rất lớn.
Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh, ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 – 16%/năm. Cùng với độ mở của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia 17 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định EVFTA, sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gia tăng và là dư địa để ngành logistics tăng trưởng hơn. Theo đó, ngành logistics sẽ phát triển nhờ các cam kết của FTA, trong đó có cơ hội về nguồn cung – cầu cũng như điều kiện để dịch vụ này có thể thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, cam kết phân theo các phân ngành trong FTA đi vào ngành vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt…, có dịch vụ được mở cửa hoàn toàn, cũng có những lĩnh vực rất ít, với ràng buộc trong liên doanh. Giới chuyên gia nhận định, các hiệp định thương mại tự do sẽ mang đến một số tác động tích cực, như: Tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính; Gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics; Tăng quy mô thị trường logistics do tăng hoạt động xuất – nhập khẩu; Thu hút đầu tư từ các nước. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng xuất hiện cả các động tiêu cực, như mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài sẽ gay gắt hơn. Hay việc hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế.
Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có EVFTA sẽ tạo thêm cơ hội phát triển cho ngành logistics Việt Nam. Để tận dụng tốt cơ hội, một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp cần cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư quốc tế. Giới chuyên gia nhìn nhận, cơ hội là rất lớn. Ví dụ trong cam kết của Hiệp định EVFTA về mở cửa dịch vụ vận tải biển, điều kiện vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam chỉ được thành lập liên doanh vốn nước ngoài đến 49%, thuyền viên quốc tịch nước ngoài không quá 1/3 định biên tàu, thuyền trưởng phải là công dân Việt Nam… Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác trong nước rất lớn.
Hiện cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó 70% có trụ sở ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu nên có nhiều lợi thế so với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Trong khi đó, thế mạnh của doanh nghiệp logistics Việt Nam là đầu tư, khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, khai thác kho bãi và có đội ngũ nhân sự lành nghề… Vì thế, khi thực thi FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA với những cam kết liên quan đến lĩnh vực logistics vốn là thế mạnh của các bên, sẽ không có chuyện doanh nghiệp logistics nội kém năng lực cạnh tranh trước doanh nghiệp ngoại.
Bên cạnh đó, trong từng chuỗi logistics cũng cho thấy năng lực cung cấp của các logistics Việt Nam. Hiện nay, đến 90% cảng biển Việt Nam là do doanh nghiệp trong nước khai thác. Đây chính là lợi thế giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam đủ khả năng cung cấp bất cứ dịch vụ nào thuộc chuỗi dịch vụ logistics, tạo điều kiện liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, tăng năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Theo giới chuyên gia, dù kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt không ít khó khăn, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội, nhất là khi các nước tăng cường chuyển dịch, đa dạng chuỗi cung ứng, từ đó giúp Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khi doanh nghiệp xoay trục. Khi cạnh tranh địa chính trị giữa các nước gia tăng, nhiều công ty đang chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam là một trong các điểm đến. Việt Nam đang tích cực mở cửa, tranh thủ cơ hội từ cạnh tranh các nước để thu hút đầu tư nước ngoài, phấn đấu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Các công ty đa quốc gia toàn cầu đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng do lo ngại các căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì thế, Việt Nam sẽ được hưởng lợi và được ưu tiên trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng này. Việt Nam cũng nhận được các khoản đầu tư nước ngoài trong việc kết nối chuỗi cung ứng, với vị thế là một trung tâm thương mại và sản xuất.
Cùng với sự chuyển dịch trên, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn về sự đổi mới và số hóa. Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất, trong bối cảnh các doanh nghiệp đa dạng hóa, tăng cường chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Để khuyến khích các nhà sản xuất dịch chuyển đến Việt Nam, đất nước cần tiếp tục thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng vững chắc, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã củng cố được vị trí của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nổi lên như một điểm đến hấp dẫn và tiềm năng. Lợi thế của Việt Nam bao gồm chi phí lao động thấp; vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á và gần Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; dân số trẻ, dân trí cao; Chính phủ luôn tập trung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ kinh doanh và pháp luật lao động, cũng như khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nguồn: Bộ Công Thương